Ngày nay, việc căn đồng số lính, việc khai hồ mở phủ, việc khăn điều áo thắm, loan giá phụng hành đã không còn là hiếm gặp. Hôm nay quangnguyen.net.vn xin đưa ra quan điểm và cách thức mở phủ mời quý bạn đọc tham khảo.
Trước khi làm lễ mở phủ cần phải kiểm tra mình có căn số không bằng cách thông qua lá số tử vi của người có căn số hoặc tìm Thầy xem chính xác với mình nhất.
Lễ mở phủ là gì ?
Một số người do còn duyên nghiệp, tạm gọi là “căn cao quả trọng ” nên phải ra Bắc Ghế Hầu Thánh, hay còn gọi là trình đồng mở phủ, nhưng thực ra họ cũng chưa thể biết, mở phủ nghĩa là thế nào, xin chia sẻ một chút, gọi là biết đến đâu tâu đến đấy…
Lễ mở phủ hay còn được gọi là lễ Trình Đồng. Phải sau khi làm lễ thì người có đồng mới chính thức là một con đồng Tứ Phủ, tức là sẽ được cận kề cửa Thánh, hay nói cách khác là…. làm con ông Thánh.
Sau 3 ngày tính từ ngày mở phủ thì người đó được gọi gọi là tân đồng, và sau ba năm tân đồng đó sẽ phải làm lễ tạ đàn tứ phủ và được coi là Đồng thuộc, tức là một vị Thanh Đồng.
Yêu cầu về Đồng Thầy Mở Phủ
Theo quan niệm Đồng Thầy Mở Phủ về mặt đời sống nên chọn Thầy:
- Có phúc: Là những người có phúc ( nghĩa là có con cái đầy đủ.).
- Có lộc: Là người có nhà cửa cơ bản đàng hoàng.
- Có thọ và an: Là người khỏe mạnh, vợ chồng hòa thuận, gia đình yên ấm, được làng xóm quý mến.
- Là người từ bi, không tham lam độc ác, hiểu đúng đắn về đạo và quan trọng nhất là được Thánh ban quyền khai quang đập hồ mở phủ.
Những ngưòi có căn số làm thầy sẽ được phong quan (thanh đồng đạo quan) và họ được ban phép có thể đi mở phủ cho những người khác. Còn nhiều tranh cãi về vấn đề có người cho rằng phải 12 năm, tức là 3 năm thử lính, 9 năm thử đồng….Nhưng theo ý kiến của nhiều người, và được chúng tôi đúc kết lại thì muốn mở phủ cho các Tân Đồng thì yêu cầu về mặt Tâm Linh cần phải bắt buộc thỏa mãn các yếu tố sau:
- Phải đủ 3 năm đồng trở nên (Thanh Đồng)
- Phải được Bề Trên ban quyền bổ phép, ban công bổ việc để Mở Phủ cho các Tân Đồng.
- Hiểu về nghi thức mở phủ, hiểu biết chính xác về tứ phủ
- Thầy Cúng, Pháp Sư, Thầy Chùa (Sư), không được phép mở phủ.
Nên Chọn:
- Nên chọn Thầy Căn Quan.
- Nên chọn Thầy Kiêm Chi Đôi Nước (ưu tiên cao nhất), đây là những Thầy có căn bên Tứ Phủ + Nhà Trần.
- Nên chọn Thầy có khả năng xem bói, soi ra căn số của mình.
Kiêng kỵ:
- Nhà thầy đang có vận áo xám (chẳng hạn như cô, dì, chú, bác ruột, bố mẹ, ông bà nhà Thầy mới mất chưa hết vận áo xám)
- Nhà đệ tử đang có tang (Bố, mẹ, ông, bà mới mất)
- Tuyệt đối không được nhờ Thầy hầu hộ, có nghĩa là Thầy mở phủ 1 thầy mà Thầy Hầu lại là thầy khác.
Nhưng ai có khả năng xem bói thì có thể mở phủ xong một thời gian sau đó đi trình khăn các cung các cửa là được bề trên cho lộc xem bói. Tùy vào lộc của từng người mà có những lộc khác nhau như biết xem bói, gọi hồn, sát quỷ trừ tà, chữa bệnh, cúng…. thì sau 3 năm tạ Tam Niên thì có thể mở tam tòa chúa bói hoặc nếu có sát Nhà Trần thì hôm Tạ Tam Niên có thể làm lễ đội lệnh Nhà Trần luôn.
Lễ mở phủ là buổi lễ ra đồng của một người được gọi là có căn đồng số lính. Để tiến hành lễ mở phủ người đệ tử phải nhờ một đồng thầy (người sẽ mở phủ và dạy phép nhà thánh cho tân đồng), pháp sư cung văn, và tứ trụ hầu dâng tay quỳnh tay quế (những người sẽ thay khăn thay áo lên hương cho thanh đồng, giúp đỡ người đó hầu Thánh và hoàn thành khoá lễ)
Lễ mở phủ về cơ bản cũng giống như một buổi lễ hầu đồng bình thường, chỉ khác một chút là có thêm mã tứ phủ, mã nhà trần (nếu có), 4 chum chóe để mở Tứ Phủ (bắt buộc), cái này do thầy sắm.
Nghi lễ mở phủ
Quan thầy hầu ba giá mẫu và bốn giá quan ( từ Quan Đệ Nhất đến Quan Đệ Tứ ).
– Quan Đệ Nhất sẽ chứng sớ, phê sớ, ra quyền lệnh về mở phủ cho các quan hàng sau đồng thời mở phủ Đệ Nhất và chứng mã Phủ Thượng Thiên (bao gồm ngựa đỏ thiên phủ và lốt đỏ kèm hình nhân đỏ và hình nhân hồng bản mệnh)
– Quan Đệ Nhị về để mở Phủ Đệ Nhị đồng thời Phủ Đệ Nhị nhận đồng tân và chứng mã Phủ Đệ nhị (bao gồm hình lốt xanh, người hình xanh và ngựa xanh (ngựa không bắt buộc ).
– Quan Đệ Tam về mở Phủ Đệ Tam như Quan Đệ Nhị đồng thời chứng mã Phủ Đệ Tam (t bao gồm huyền rồng, lốt tam đầu cửu vĩ, lốt trắng, người hình trắng, ngựa trắng (ngựa không bắt buộc).
– Quan Đệ Tứ mở Phủ Đệ Tứ và chứng mã Phủ Đệ Tứ (bao gồm voi vàng, người hình vàng, hình lốt vàng).
– Chầu Đệ Nhị về cho tân đồng trình khăn áo mới, trình trầu công đồng đồng thời chứng mã Sơn Trang.
– Chầu Lục sẽ về tán cau ban lộc cho tân đồng, đồng thời sang khăn phủ cho đồng con vào hầu thánh.
Tân đồng khi làm lẽ mở phủ phải chuẩn bị rất nhiều thứ, trong đó rất quan trọng nhất phải có là 1 khăn phủ diện, 1 áo công đồng khăn tấu hương, và 4 cái khăn 4 màu, xanh đỏ trắng vàng, tượng trưng làm cầu Tứ Phủ để thầy đồng trưởng có thể kéo cầu cho đệ tử qua cầu thoát nạn….
Khăn áo để hầu cũng có rất nhiều loại, tùy vào điều kiện, họ sẽ phải sắm mỗi giá 1 bộ khăn áo, đây là nguyên tắc chung. Nhiều khi các đồng nghèo lính khó thì người ta chỉ cần mua 5 bộ áo dài gồm 5 màu đỏ, xanh, trắng, vàng, xanh lam. Hoặc có thể mượn khăn áo của người khác, của đồng thầy vẫn có thể hầu được.
Ngày xưa, các cụ chỉ có mỗi cái áo đỏ công đồng và mấy cái Nét Quan nhưng vẫn có thể hầu được các bóng các giá rất đến nơi đến chốn. Ngày nay, khăn áo nhiều, cũng rẻ và dễ tìm mua, nên khăn áo hầu Thánh cũng được cẩn thận và chỉnh chu hơn. Nhưng đặc biệt là khăn áo công đồng (do tiên thánh sang khăn sẻ áo cho ) sẽ không được mượn và cũng nhưng không bao giờ được cho ai mượn khăn áo đó.
Phần lễ
Phần lễ sẽ bao gồm 6 lễ như sau:
– Bạch lễ
– Sái tịnh: Lập đàn tràng và pháp sư đăng đàn sái tịnh đồng thời tiến hành lễ phát tấu mở phủ. Đồng thầy sẽ cho tân đồng mặc áo công đồng, đội khăn xếp ngồi xếp tròn, sau đó phủ khăn phủ diện và cho tân đồng đội mâm vàng sớ phát tấu. Pháp sư sẽ kêu thỉnh sứ giả ngũ phương ứng giáng ốp đáo về đồng nhân. Khi pháp sư tuyên sớ, tuyên bạch văn trạng và thư chữ văn trạng bằng đuốc, xin đài âm dương xong, sau đó ném bó đuốc ra ngoài sân và giải tọa cho đồng nhân và khai quang mã phát tấu (5 ngựa năm màu, 5 dây vàng năm màu kèm mâm sớ sách đã thư chữ) tiến cúng quan sứ giả và hỏa hóa. Lễ phát tầu thường được thực hiện trước khi trình đồng 1 hoặc 3 ngày, lễ còn được gọi là phát tấu nghi (Lễ Cáo)
– Lễ Phật: Là lễ thỉnh phật tuyên kinh lập đàn dâng cúng phật và lập đạo tràng tụng kinh, có thể tụng các khóa như: Dược Sư, Di Đà Hồng Danh, Phổ Môn, Bát Dương, Từ Bi Thủy Sám….
– Lễ Tam Phủ: Là lễ thù ân, phá ngục, xin lệnh ban ơn để giải ngục âm cho các tù linh là gia tiên của người tân đồng để họ có thể được thoát ngục mà hưởng phúc từ con cháu. Lễ này thường được tổ chức trước Mở Phủ 1 ngày.
– Lễ Tam Phủ Thục Mệnh: Là lễ được tổ chức dành những cho người bị đau ốm, bị bắt vía và bị phạt hành dẫn đến điên dại nên phải ra trình đồng.
– Sau khi diễn ra lễ Phật và lễ Tam Phủ thù ân xong thì là lễ chúng sinh và lễ phóng sinh. Vào ngày hôm sau người ta sẽ chọn giờ đẹp để sửa lễ Tứ Phủ và Thiên Quan, cúng thỉnh Sơn Trang, khao thỉnh Trần Triều, khao thỉnh hội đồng các Quan Bản Đền cùng các Quan Ngũ Dinh và âm binh bản đền.
Người ta thường cúng khoa cúng Phật (nếu đền thờ vọng Phật), khoa cúng Mẫu, hoặc nếu không có điều kiện hoặc đủ diện tích sẽ cúng chung cả hai khoa cúng trên gộp thành khoa cúng Phật-Mẫu. Nội dung khoa cúng có thể chia làm ba phần bao gồm: Phần đầu để khai quang đàn tràng, dâng hương, phần hai với mục đích để thỉnh chư Phật, chư Thánh theo thứ tự từ cao xuống thấp, phần ba là mời chư Phật, chư Thánh an tọa, thụ hưởng và cuối cùng các vị thần trở lại nơi mình ngự trị.
Trong buổi lễ trình đồng mở phủ, đồng mới có thể mời thầy pháp sư làm lễ trung cúng, tiểu cúng hoặc có thể làm lễ đaị cúng. Trong buổi lễ sẽ có múa Sái Tịnh với ý nghĩa làm sạch sẽ đàn tràng, là một hiện tượng văn hóa vô cùng độc đáo trong khoa cúng Phật-Mẫu. Người pháp chủ sẽ mặc áo cà sa năm điều và đội mũ thất Phật nếu có Pháp giới hoặc đội mũ liên hoa nếu là thầy già lam.
Một tuần Sái Tịnh sẽ bao gồm múa khai hoa, kết ấn, múa vòng thuận nghịch, thư chữ trong chén ngọc chản, cầm cành dương liễu vảy sái chữ tâm…..Trong khoa cúng, ngoài việc am hiểu về khoa giáo, các thầy cúng cũng phải sử dụng được thành thạo các nhạc cụ thích hợp chư chuông trống bạt thanh la…. Mỗi thầy cúng sẽ đảm nhiệm sử dụng ít nhất một nhạc cụ, và vị trí ngồi của họ bị chi phối bởi sự sắp xếp theo quy định của các vị trí nhạc cụ. Thông thường người pháp chủ sẽ đảm nhiệm dùng một mõ, một chuông. Người đầu dây tả đảm nhiệm vai trò chơi trống canh, người thứ hai chơi trống cái, người thứ ba gõ thanh la. Người đầu dây hữu đảm nhiệm vị trí chơi tiêu cảnh, người thứ hai xóc đôi nạo và người thứ ba gõ bạt…. Vv và vvv tùy theo từng trường hợp để xác định.
Đạo Trưởng hành lễ: Người đồng thầy thay khăn áo, và tiến hành làm lễ hầu thánh khai đàn mở phủ
Lễ sớ hầu: Xin phép mời phật thánh cùng các chư vị thanh đồng đạo quan vào bắc ghế hầu thánh.
Cung văn:
Dân văn thờ.
Dâng văn hầu.
Tân đồng vào hầu thánh:
Đồng thầy phủ khăn cho đồng con, Tân đồng hầu thánh sẽ hầu 3 giá Mẫu, 3 giá Quan (Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị, Quan Đệ Tam), 4 giá Chầu (Chầu Đệ Nhị, Chầu Lục, Chầu Mười, Chầu Bé), ba giá Hoàng (Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười), 4 giá cô (Cô Đôi, Cô Bơ, Cô Chín, Cô Bé).
Hầu tạ:
Là lễ hầu tạ cho tân và sẽ do người đồng thầy thực hiện. Có thể vào hầu tạ ngay sau khi đồng con bắc ghế hầu hết giá Cô Bé hoặc có thể làm sau 3 ngày mở phủ. Ngày nay vì điều kiện thời gian và kinh tế nên người ta thường tiến hành hầu tạ ngay sau khi đồng con bắc ghế hầu thánh.
Quy trình làm lễ tạ:
Vị đồng thầy mặc áo công đồng, đội khăn xếp và làm lễ cho tân đồng, trình lễ tạ gồm lễ mặn (xôi, gà), lễ chay (xôi chè, hoa quả) trầu, cau, chè thuốc kèm sớ tạ đồng và tiền vàng kèm theo.
Tiếp theo sau đó sẽ xin phép phật thánh vào hầu tạ cho đồng con.
Đồng thầy hầu các giá: Quan Lớn Tuần Tranh về làm lễ khai quang và chứng mã sớ, pháp sư tuyên điệp thiên quan cùng lễ nghi dâng tiến xin Quan hạ lệnh tiễn đàn mã tứ phủ. Quan thầy hầu Quan Tuần tiễn mã tứ phủ. Giá Chầu thông thường sẽ hầu một hoặc hai vị Chầu Bà về chứng lễ tạ cho tân đồng (mọi người hay hầu Chầu Đệ Tứ và Chầu Bé). Hầu chầu Bé về chứng mã Sơn Trang và cho tán đàn Sơn Trang, hầu 1 giá ông hoàng, 1 giá Cô, 1 giá Cậu tạ đồng và sau đó xin đóng cửa phủ.
Vật dụng và nghi lễ khi vào hầu thánh
Với đồng thầy bao gồm: khăn phủ diện, khăn tấu hương, khăn xếp, áo công đồng cùng các tòa khăn áo khác để hầu thánh.
Với đồng tân bao gồm: khăn phủ diện, khăn tấu hương, khăn bốn phủ, khăn xếp, áo công đồng. Nếu có điều kiện thì có thể sắm tòa khăn áo đầy đủ, nếu không thì xin dùng của quan thầy, nhưng nhất thiết phải có những đồ trên.
Một bàn loan sơn son đặt giữa trước mặt người hầu thánh, ở giữa bàn là gương hầu (khi chưa hầu phải được phủ vải đỏ), trên bàn loan sẽ sắp đặt 1 lọ nước thơm, 1 ly ngự rượu ( bằng sứ, bạc, đồng, ngọc….) một bộ ba chén có nắp để thưởng trà, 1 bầu rượu (bằng sứ hoặc kim loại), một bầu nước trắng, vài bao thuốc, một đĩa tiền hầu; hai góc bàn loan đặt hai lọ hoa tươi, bên cạnh đặt 2 đài nến.
Người hầu dâng: nếu có 2 người được gọi là nhị trụ gồm:
1 tay khăn (giúp lên khăn, cài trâm hoa, măc áo). Bên phía tay khăn cần bao gồm các đồ sau:
Các tòa khăn áo hầu:
Khăn phủ diện của đồng nhân, khăn tấu hương ( hình chữ nhật, dài khoảng 3gang rộng 1,5 gang 1 nửa thêu rồng, 1 nửa thêu phượng tượng trưng cho cha và mẹ), một khăn đức ông (là một dải khăn đỏ dài khoảng 2 thước nếu có hầu nhà Trần), năm khăn chầu (khăn buồn nối cổ, hoặc khăn thổ cẩm).
1 bộ lét gồm: 5 lét quan thêu rồng, 3 lét ông hoàng (có thể lét trơn hoặc gấm chữ thọ), 3 lét cô thêu hoa (nếu hầu theo lối cổ có thể sẽ thấy ở hàng ông Hoàng cũng chit khăn mỏ rìu tức khăn vuông rộng 1.5 gang, 2 góc chéo thêu rồng).
Một bộ mạng gồm 3 chiếc thêu rồng: chiếc 1 (½ đỏ và ½ xanh), chiếc thứ 2 (½ trắng và ½ vàng), chiếc thứ 3 màu xanh tím than hoặc tím.
1 hoặc 2 khăn cậu (là dạng khăn vuông 1.5 gang, hai góc chéo thêu rồng), hoa, trâm cài, xà tích, kiềng bạc, vàng, thẻ ngà, đáy ngọc….là những phụ trợ kèm khi hầu.
1 tay hương (người giúp thắp hương, đốt đuốc, đốt mồi, và dâng đồ hầu). Bên phía tay hương sẽ đặt: 1 bát dầu đèn ( hoặc cồn ), 1 bát nước, 1 ngọn nến hoặc đèn dầu, 1 khăn trải gối, 1 ống phóng để đồng nhân tẩy khẩu hoặc nhả bã trầu, 1 đôi kiếm, 1 đôi cờ chéo, 1 đôi cờ vuông, 1 thanh trường đao, 1 đôi hèo, một đôi mái chèo, 1 đôi quạt xòe.
Nếu có 4 người thì sẽ được gọi là tứ trụ, bảo gồm 1 tay khăn, 1 tay hương và kèm thêm 2 người ngồi sau làm nhiệm vụ hỗ trợ 2 người ngồi trên và cân chỉnh y phục cho người hầu khi vào hầu thánh.
Ý kiến bạn đọc (0)